Thân thế Đoàn_quý_phi

Đoàn quý phi tên huý là Ngọc, sinh năm 1601 tại thôn Điện Châu, châu Đông Yên, bên bờ Sài Thị Giang (tức Sông Chợ Củi, nay là sông Thu Bồn), thuộc huyện Duy Xuyên). Ngày xưa, làng Đông Yên kéo dài từ Chiêm Sơn (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) cho đến Chợ Củi (nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn).

Bà là em gái của Quốc Cựu Sầm Oai hầu Đoàn Công Quảng, trưởng phái nhất, chi phái nhất của tộc Họ Đoàn ở Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con gái thứ ba của Thạch Quận công Đoàn Công Nhạn (段公雁) và thứ thất phu nhân Võ Thị Thành (武氏成)[1]. Ông Nhạn là một hào trưởng có thế lực của vùng Chiêm Sơn. Đông Yên là làng nằm bên bờ sông Thu Bồn có nhiều đất bãi bồi màu mỡ vốn là làng nghề chuyên về trồng dâu nuôi tằm. Gia đình ông Đoàn Công Nhạn trở thành hào phú cũng nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Sách Đại Nam Nhất Thống chí đã viết: "Bà là người minh mẫn, thông sáng... sáng thơm, tú mị, phép tốt trinh thuần" và "Năm mười lăm tuổi (Bà) hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Huy Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng Đế ta (tức Thế tử Nguyễn Phúc Lan lúc bấy giờ) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là An Phú Tây) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu Chúa ở tiềm để, được yêu chiều lắm”.

Sau khi Chúa Sãi băng hà năm 1635, Thế tử Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng. Chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định dời phủ chúa từ làng Phước Yên (Quảng Điền) về làng Kim Long (Phú Xuân). Đoàn Thị Ngọc được phong Đoàn Quý Phi và cha bà, ông Đoàn Công Nhạn được phong là Thạch Quận công.

Tuy sống trong phủ chúa nhưng Đoàn Quý Phi không quên nghề xưa, hết lòng khuyến khích việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ươm tơ, nhờ thế nghề tằm tang của xứ Đàng Trong phát triển rực rỡ, không chỉ những làng quê dọc hai bên sông Thu Bồn ở Quảng Nam quê bà mà cả ở kinh đô Phú Xuân. Hội An đã trở thành một thương cảng phát triển, mở cửa giao lưu với bên ngoài, trong đó đường bát, lâm thổ sản và nhất là tơ lụa trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Sau này dân xứ Đàng Trong nhớ ơn nên tôn bà là Bà Chúa Tằm Tang.

Về cuối đời, không rõ năm nào, Đoàn Quý Phi rời Phủ Chúa ở Kim Long, Phú Xuân quay trở về sống ở Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam cùng với con cháu, bà con trên quê hương mình.